UBND HUYỆN QUỐC OAI TRƯỜNG TH NGỌC MỸ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập- Tự do- Hạnh phúc |
BÀI GIỚI THIỆU SÁCH
Tháng 1
Chủ đề : Ẩm thực
Tên sách : Sự tích Bánh Chưng Bánh Giầy
Người thực hiện : Vương Thị Diện
Hình thức : Trực tiếp
Thành phần : GV và HS toàn trường
Thời gian thưc hiện : 7h30 phút ngày 15/1/2024
Kính thưa các thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
vậy là chúng ta lại sắp đón tết cổ truyền rồi! Trong dịp tết cổ truyền Việt Nam, trên mâm cúng gia tiên của bất kỳ gia đình nào cũng không thể thiếu một thứ bánh đậm đà của dân tộc Việt Nam đó là món bánh chưng xanh. Vì sao có bánh chưng xanh? Vì sao bánh chưng lại được đặt trang trọng trên bàn thờ trong ngày tết như vậy? Trong buổi giới thiệu sách ngày hôm nay của thư viện trường Tiểu học Ngọc Mỹ Tôi sẽ giải đáp cho các bạn câu hỏi này qua cuốn chuyện “ Sự tích bánh chưng, bánh giầy ” nhé cuốn sách do NXB Mỹ thuật ấn hành năm 2017, có khổ 17x24 cm được in trên bìa cứng dày, với màu xanh là màu chủ đạo và những hình ảnh ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt. Cuốn sách có số Đăng kí các biệt: TN.01637 Các bạn ạ? Vua Hùng Vương thứ 6 có 22 người con trai. Tất cả đều thông minh, văn hay võ giỏi. Trong đó chỉ có hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu chỉ thích trồng trọt.
Khi Vua Hùng đã già yếu, muốn kén chọn người kế vị, Vua gọi các hoàng tử tới và bảo rằng: “ Vào dịp lễ đầu năm mới, con nào tìm được của ngon vật lạ, có ý nghĩa nhất để tế Trời Đất thì ta sẽ truyền ngôi báu cho”.
Các hoàng tử đua nhau lên rừng xuống biển tìm của ngon vật lạ. Riêng hoàng tử Lang Liêu nghĩ mình sẽ dâng vua cha sản vật từ chính đồng quê của mình. Chàng cùng vợ con chăm sóc cho cánh đồng lúa quê hương. Lang Liêu tự nhủ:
“ Ta sẽ làm món quà bằng thứ gạo thơm dẻo nhất do chính tay ta tự trồng cấy để dâng vua cha”. Tối hôm ấy, khi ăn bát cơm gạo trắng thơm ngon, Lang Liêu nhìn lên bầu trời dưới ánh trăng vằng vặc và nghĩ về cánh đồng lúa chín vàng đã nuôi sống bao người. Chàng nói với vợ: “ Ta sẽ dùng gạo nếp thơm dẻo này làm bánh dâng lên vua cha, để tế lễ tổ tiên, Trời Đất đầu năm”. Đêm ấy, chàng mơ thấy một bà tiên mách bảo rằng: “ Này con, vật trong trời đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con lên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn, và hình vuông để tượng trưng cho Trời và Đất. Hãy lấy lá xanh bọc ngoài, đặt nhân thịt, nhân đỗ trong ruột bánh để tượng trưng cho công lao của cha mẹ đã sinh thành ra con”. Sáng hôm sau, Lang Liêu tỉnh giấc, vô cùng mừng rỡ. Chàng kể lại giấc mơ đêm qua cho cả nhà nghe. Lang Liêu nghĩ lại: “ Đúng là công ơn của cha mẹ nuôi dưỡng con cái thật là lớn như trời như bể”. Dân làng cũng vui mừng cho Lang Liêu. Họ cùng với Lang Liêu làm theo lời bà tiên dặn, chọn gạo nếp thật ngon vo sạch, đỗ xanh đãi vỏ, lấy lá dong thật xanh đem rửa sạch, thịt lợn ướp muối tiêu và gói thành 1 thứ bánh vuông, bọc lá xanh. Cái bánh nào cũng vuông thành sắc cạnh, đều nhau như một. Mặt bánh phẳng hình vuông tượng trưng cho Đất, màu xanh tượng trưng cho cỏ cây hoa lá. Bà con xóm giềng mỗi người một tay giúp vợ chồng Lang Liêu làm bánh. Người này thì đồ xôi thật dẻo thơm, người kia thì bỏ xôi vào cối dùng chày giã mịn và làm thành một thứ bánh tròn, trắng mịn để tượng trưng cho Trời.
Ngày hội lớn đầu năm đã đến, mọi người nô nức mang sản vật mà mình đã chuẩn bị để dâng lên vua cha. Chàng Liêu cùng vợ con chọn những tấm bánh ngon nhất, đẹp nhất để đưa về kinh thành. Nhìn mâm bánh được làm từ những sản vật của miền quê trù phú, vợ chồng Lang Liêu lòng tràn ngập niềm vui sướng. Các hoàng tử mang của ngon vật lạ các nơi về đông đủ. Bên cạnh những thứ đó, lễ vật của Lang Liêu lại rất đơn giản. Nhưng sau khi nếm thử và nghe Lang Liêu tâu trình về cách làm và ý nghĩa của hai loại bánh. Vua bèn chọn lễ vật Lang Liêu dâng để tế trời đất và đặt tên cho bánh hình vuông là bánh chưng và bánh hình tròn là bánh giầy. Ông cũng chọn Lang Liêu là người nối ngôi báu. Từ đó nhân dân ta có tục gói bánh chưng và bánh giầy trong dịp tết, chọn những cái ngon nhất đẹp nhất bày lên bàn thờ cúng tổ tiên. Các em ạ để tìm hiểu thêm về ngày tết cổ truyền của dân tộc các em hãy tìm đọc các cuốn sách nói về ngày tết cổ truyền của chúng ta như cuốn: Sự tích cây nêu ngày Tết, sự tích Táo Quân, Sự tích hoa Đào hoa Mai nhé
1. Sự tích bánh chưng bánh giầy/ Nguyễn Thị Duyên biên soạn.- H.: Mỹ thuật, 2017.- 12tr.: tranh màu; 27 cm.- (Truyện cổ tích Việt Nam. Tủ sách Thiếu nhi) ISBN: 9786047854875 Chỉ số phân loại: 398.209597 NTD.ST 2017 Số ĐKCB: TN.01637, TN.01833, |
2. Sự tích bánh chưng - bánh dày/ B.s., vẽ tranh: Hoàng Khắc Huyên.- H.: Mỹ thuật, 2014.- 16tr.: tranh màu; 24cm.- (Tranh truyện cổ tích Việt Nam)(Tủ sách Tuổi thơ) ISBN: 9786047806683 Chỉ số phân loại: 398.209597 HKH.ST 2014 Số ĐKCB: TN.01804, TN.01809, |
Buổi giới thiệu sách của thư viện trường Tiểu học Ngọc Mỹ đến đây tạm dừng xin chào và hẹn gặp lại.
TM.BAN GIÁM HIỆU PHÓ HIỆU TRƯỞNG
Kiều Đình Diện |
Người viết lời
Vương Thị Diện |